VỊ  CHÂN  SƯ Quyển I  - The Initiate - 1920

 

 

 

DẪN  NHẬP

 

Bộ ba quyển The Initiate, tác giả By His Pupil, là các sách đặc biệt có giá trị tâm linh rất cao và tác giả là nhân vật đáng chú ý, nên cần có đôi lời trình bầy về tác phẩm và người viết để chúng ta thẩm định đúng mức ý nghĩa của trọn bộ sách, cùng sự đóng góp của tác giả vào phong trào Minh Triết Thiêng Liêng (MTTL) của thế kỷ 20. Bộ sách gồm ba cuốn:
- The Initiate xuất bản năm 1920,
- The Initiate in the New World  năm 1927
- The Initiate in the Dark Cycle  năm 1932
và đều ký tên By His Pupil. Từ đó tới nay sách được tái bản rất nhiều lần, và hiện giờ vẫn được xem là tác phẩm cần đọc cho ai muốn biết thêm về Theosophia (Minh Triết Thiêng Liêng MTTL). Danh tính của tác giả được giữ kín trong nhiều năm, và bởi sách rất được ưa chuộng cùng gây tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu MTTL, đã có một số người tự nhận mình là tác giả. Gần năm mươi năm sau khi quyển The Initiate xuất hiện, người viết mới tiết lộ sự thật trong một tác phẩm khác của mình, và nay công chúng biết đó là nhà soạn nhạc Cyril Meir Scott nổi tiếng người Anh. Thế nên trước khi nói về tác phẩm, ta sẽ nói về tác giả Scott.
Cyril Meir Scott (1879-1970) có sự nghiệp chính là về nhạc, và một nhận xét về ảnh hưởng của ông trong nhạc cho rằng Scott là cha đẻ của âm nhạc thế kỷ 20 nước Anh. Ông soạn nhiều thể loại nhạc, có bài hát, nhạc kịch (opera), nhạc hòa tấu (symphony), các tấu khúc cho dương cầm, vĩ cầm, trung vĩ cầm (viola) v.v. Nhạc của ông trong thế kỷ trước được trình bầy rộng rãi tại Anh, Đức, Pháp, Hoa Kỳ; người yêu nhạc cũng lập ra hội Cyril Scott để giới thiệu nhạc của ông tại những nước trên, riêng đài BBC của Anh và các dàn nhạc lớn tổ chức những buổi trình diễn nhạc Scott để kỷ niệm dịp ông được 60, 70 tuổi. Các đại học ở nhiều nơi cũng trao tặng bằng danh dự cho ông. Bên cạnh âm nhạc, Scott còn được biết tới qua các tác phẩm về MTTL và sức khỏe. Ông gia nhập hội Theosophia khoảng thập niên 1910 và viết sách về MTTL dưới nhiều hình thức, hoặc là bộ The Initiate, hoặc là ảnh hưởng huyền bí của nhạc qua các thời đại, hoặc nguyên do bên trong của bệnh ung thư và cách chữa trị bệnh này. Một số chi tiết trong các sách trên là của chính ông tìm tòi và khám phá, số khác là hiểu biết bí truyền mà ông được sử dụng làm trung gian để đưa ra thế giới trong thế kỷ 20. Do đó ta sang phần thú vị sau là mục đích của sách, và phương cách ông viết chúng. 
Bộ The Initiate có nhân vật chính trong chuyện là ngôi thứ nhất xưng Tôi, nhưng Scott nói rằng một người khác đã đưa tài liệu cho ông để viết, còn thì ông không phải là nhân vật trong chuyện. Tuy vậy chuyện cũng mang tính chất tự thuật phần nào, với cuộc hôn nhân của nhân vật chính phản ảnh rất sát việc của ông trong đời thật.
Bối cảnh quyển sách là xã hội Anh nói chung, và tình trạng của hội Theosophia vào lúc đó nói riêng, cả hai có nhiều điều cần được chấn chỉnh. Cho xã hội là quan niệm hẹp hòi về hôn nhân với tính chiếm hữu, ghen tuông, hiểu biết sai lạc về Thiên Chúa giáo; cho hội Theosophia là ý tưởng sai lầm của các hội viên với hoạt động của Chân Sư và phong trào Theosophia, ngoài ra còn có hiện tượng Krishnamurti hồi cuối thập niên 1920. Nội dung của sách thiên nhiều về các điều trên, nhưng cũng chính vì vậy mà có vài chương chỉ thích hợp cho xã hội Anh hay tây phương, hay nhắm vào tình trạng lúc đó, sẽ không được dịch sang Việt ngữ vì không cần thiết cho độc giả Việt, và xin đề nghị quý độc giả tìm nguyên tác Anh văn đọc thêm nếu muốn. Trong khi đọc ta cần nhớ rằng đây là nỗ lực nhằm sửa đổi một số nét của thời điểm ấy, nên chúng có thể bớt quan trọng theo cái nhìn của thế kỷ 21. Chẳng hạn tư tưởng của Krishnamurti đã thay đổi vào thập niên 1980 so với thập niên 1920, và thái độ của xã hội về tình dục cũng khác trước rất nhiều, dầu vậy một số lớn ý tưởng đưa ra trong sách vẫn giữ được giá trị rất cao không chút lỗi thời, như giải thích về mặt bí truyền của nhiều việc.
Sách vở trong hội Theosophia hồi thập niên 1920, 1930 đề cập tới sự hiện hữu của các Chân Sư là một điều hay, nhưng nét sùng tín nặng tình cảm mà ít lý trí đã dẫn tới nhiều quan niệm sai lạc về các ngài, do đó có nhu cầu trình bầy lại cho đúng đắn hơn, và Scott làm việc này qua những sách của ông. Mặt khác, càng lúc Thiên Đoàn (the Hierachy) gồm các Chân Sư càng hiển lộ nhiều hơn trong thời đại mới, để công chúng biết thêm về các ngài là điều cần thiết và các tác phẩm của Scott nhắm một phần tới mục đích ấy, cũng như PST chọn dịch bộ The Initiate để chúng ta hợp sức nhỏ bé của mình vào công việc các ngài.
Vị Chân Sư trong chuyện là nhân vật có thật. Scott gọi ngài là Justin Moreward Haig hay J.M.H., đó không phải là tên thật của ngài tuy nhiên điều ấy không quan hệ. Chuyện quan hệ là lời dạy trong sách. Chuyện bắt đầu với quyển The Initiate, nhân vật chính kể lại việc ngài xuất hiện trong xã hội Anh và tiếp xúc với một số người nơi ấy, một phần vì ngài và vài Chân Sư khác có việc phải làm ở nước Anh, phần nữa vì ngài có mối dây liên hệ với những người trên, và nay muốn trả lại ân xưa cũng như để giúp đỡ họ, sau một thời gian và nhiều diễn tiến, chuyện chấm dứt khi ngài sang Hoa Kỳ. Quyển hai The Initiate in the New World tiếp tục với nhân vật chính được Chân Sư J.M.H. gọi sang Hoa Kỳ, tại đây anh thấy ngài qui tụ một nhóm đệ tử với các buổi học hàng tuần. Anh cũng đoán biết ngài còn việc làm khác nhưng chỉ giới hạn sự trình bầy hoạt động của ngài vào những buổi họp này mà thôi.
Một thời gian sau, ngài cho biết lý do gọi anh sang Hoa Kỳ là muốn đề nghị anh làm công tác, tức lập gia đình với một đệ tử khác trong nhóm; người này anh có quen biết nhưng đôi lúc vô cớ cảm thấy thù nghịch. Ngoài những lý do cho cuộc hôn nhân ta nói ở trên, còn lý do khác ngài cho biết là cả hai có thể giúp đỡ nhau trong công việc của riêng mỗi người, khi hợp sức như vậy bầu không khí hòa hợp từ lực trong lúc sống chung khiến cho các Chân Sư có thể làm việc xuyên qua họ. Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, hai người bạn vâng theo đề nghị của ngài và sự việc này kết thúc quyển hai. Quyển ba The Initiate in the Dark Cycle bắt đầu vào lúc tiểu gia đình cư ngụ tại London với hiện tượng Krishnamurti và lời giải thích hiện tượng này. Người đọc biết thêm hoạt động của vài Chân Sư khác, và thấy rằng nơi nào cũng được các ngài chăm lo, cũng như có những kế hoạch được các ngài sửa soạn cho tương lai.
Bởi sách đề cập nhiều đến những vấn đề gặp phải trong hôn nhân, Scott  được thư của các bà vợ hỏi phải xử sự ra sao với đức lang quân không chung thủy, hay thư của đấng mày râu muốn biết đối phó như thế nào với các bà thiếu thủy chung. Ông than thở rằng những điều này có ghi trong sách cả rồi, độc giả còn hỏi là chứng tỏ chưa nắm hết ý nghĩa của nó. Rồi cũng có thư vui, cảm tạ tác giả vì hôn nhân, hay cuộc đời của họ được cứu vãn, qua cơn khủng hoảng nhờ chỉ dạy của ngài, hay quan niệm của họ với cuộc đời đã biến đổi hoàn toàn sau khi xem sách. Về việc giữ kín tông tích của ngài, Scott giải thích là các Chân Sư tại Anh có phần việc quan trọng cùng với các Chân Sư khác phải làm cho nhân loại, tiết lộ về các ngài sẽ làm can thiệp đến công việc ấy. Mục đích của sách ngoài việc làm cân bằng lại sự thay đổi về luân lý, lề thói và niềm tin trong thời đại mới, cho phù hợp với mức tiến hóa mới của nhân loại, nó còn nhằm chứng tỏ sự hiện hữu của các đấng cao cả. Lý do là có người không biết việc ấy, hay biết mà xem đó là chuyện khó tin, hay đã tin mà lại nghi ngờ. Lời thuật trong sách là của người từng diện kiến thật sự với các ngài, nên sự xác quyết ấy hy vọng có thể củng cố niềm tin của hai loại người chót ở trên. Thêm vào đó một khi đã tin vào các Chân Sư Minh Triết, và chấp nhận chỉ dạy của ngài là người ta đã lập nên mối dây liên lạc tâm linh với ngài, có rung động cảm ứng phần nào với Chân Sư.
Scott nhấn mạnh rằng ông chỉ là cây viết trong tay các ngài, người đọc không nên quan tâm đến cái tôi của ông, và việc ông được chọn cho công tác này  chỉ vì đời sống của ông cho phép ông ở vị trí làm được chuyện ấy. Điều này rõ hơn khi chúng ta xem qua tác phẩm khác của ông cũng có nguồn gốc bí truyền là quyển Music: Its Influences throughout the Ages. Trong thập niên 1920, Chân Sư K.H. ngỏ ý rằng đã tới lúc nên trình bầy các khía cạnh bí truyền của âm nhạc. Ngài đưa ra ý tổng quát để Scott đi vào chi tiết, trước đó ông không có khái niệm gì về những ảnh hưởng huyền bí này, giờ việc soạn cuốn sách khiến ông học được rằng âm nhạc tác động lên tâm trí con người, và các nhạc sư được Chân Sư gợi hứng để nhấn mạnh một số tình cảm nào đó trong con người. Họ trở thành vận cụ với tầm ảnh hưởng rộng lớn trong việc uốn nắn luân lý và trào lưu tư tưởng. Bach, Beethoven, Chopin và nhiều vị khác đều đã được dùng để mang lại một số ảnh hưởng nên có, nhằm đẩy mạnh sự tiến hóa của nhân loại tuy họ không hay biết về nguồn của sự gợi hứng này, hay ảnh hưởng phát sinh từ sáng tác của họ, thí dụ như phải 200 năm nữa trọn tác động của nhạc Wagner mới phô diễn.
Sự thiếu ý thức này của các nhạc sự không phải là một bất lợi, vì nếu họ biết Thiên Đoàn muốn họ tạo nên ảnh hưởng đặc biệt nào, có thể họ sẽ cố tâm tìm cách sinh ra chúng và làm ngăn trở cảm hứng thật sự. Chẳng hạn nếu Mendelssohn biết rằng công việc của ông là diễn tả và tăng gia lòng thiện cảm, ông có thể chủ ý soạn loại nhạc mà ông cho là gợi nên lòng thiện cảm, để rồi kết cục sinh ra tác phẩm kém cỏi. Về điều này chỉ bậc Chân Sư mới biết được ảnh hưởng mà một loại nhạc nào đó sẽ tạo nên, mà không phải người nhạc sĩ được sử dụng làm vận cụ, được gợi hứng viết nên loại nhạc ấy. Scott cũng ghi thêm rằng người ta có thể thắc mắc tại sao các đại nhạc sư phải phấn đấu khó khăn để nhạc của mình được trình diễn, được thưởng thức, như Mozart chết trong cảnh nghèo khó, hay có khi nhạc sĩ qua đời nhiều năm rồi nhạc của họ mới được quí chuộng. Ông đưa ra một trong các lý do là tà lực can thiệp, vừa khi nào Thiên Đoàn tìm cách đưa ra bất cứ điều chi như nhạc, nghệ thuật, văn chương v.v. để nâng cao nhân loại, các huynh đệ tà đạo tức khắc tìm cách ngăn trở, và cố làm hư công việc ấy của các ngài.
Chót hết, nói về việc âm nhạc hiện đại tỏ ra không chút hòa điệu (discordant), Scott trình bầy rằng có thể nói tổng quát là có hai loại nhạc sĩ, một loại được gợi hứng thiêng liêng dùng âm nhạc để uốn nắn các đặc tính nên có trong tương lai, loại khác không được gợi hứng như thế và chỉ biểu lộ đặc tính của hiện tại. Thời đại của chúng ta có quá nhiều sự tàn bạo, sợ hãi, rối loạn, nên kết quả khi diễn tả bằng âm nhạc trở nên xấu xa và thiếu hòa điệu, nhưng đây là điểm thấp nhất mà nhạc đã đi xuống nên ông tin rằng người ta có thể hy vọng chu kỳ nhạc sắp bắt đầu đi lên, mang lại sự hòa điệu lần nữa.
Ta vừa đi vào chi tiết hai tác phẩm của Scott là bộ The InitiateMusic, ông còn nhiều quyển khác rất nên đọc, nhất là ba cuốn Outline of Modern Occultism, The Greater Awareness và quyển tự thuật Bone of Contention. Độc giả ưa thích có thể đặt mua sách tại nhà xuất bản Samuel Weiser mà các tiệm sách có địa chỉ, hay mua tại nhà sách của hội Theosophia nơi cư ngụ; với những quyển đã tuyệt bản ta có thể mua trên eBay. Ta cũng có thể đọc hay mượn được sách tại thư viện của các chi bộ Hội.
...

 

GIỚI  THIỆU

Câu chuyện - nếu ta có thể gọi đây là chuyện - về ngài Justin Moreward Haig là chuyện thật theo nghĩa nhân vật này quả có hiện hữu, tuy như tôi sẽ giải thích sau này, tôi bắt buộc phải che dấu danh tính của ngài vì nhiều lý do, và tôi nhấn mạnh sự hiện hữu của ngài vì một số người có thể nghi ngờ việc có thể đạt tới mức toàn thiện mà ngài biểu lộ không sao chối cãi được, để bảo rằng tôi viết chuyện tiểu thuyết thay vì viết sự kiện đã xẩy ra. Ngài cũng không phải là người duy nhất ở mức tiến hóa về mặt tâm linh ấy, vì không những vào lúc này còn có nhiều vị giống như ngài đang sống giữa chúng ta, và nếu lịch sử thế giới ghi chuyện đúng thật, thì trong quá khứ có hằng trăm vị hoặc cao cả như ngài, hoặc hơn ngài, đã từng sống.
Nền văn minh của thế kỷ 20 tìm cách phủ nhận hay giải thích những quyền năng lạ thường của những vị như vậy để nói rằng nó không có gì lạ, nhưng ai suy nghĩ sâu xa và chịu bỏ công tìm tòi ngoài kiến thức hời hợt, sẽ đi tới kết luận rằng câu nói 'Không có lửa sao có khói' áp dụng được cho trường hợp này, và sự phủ nhận hay giải thích cho qua của điều mà ta gọi là nền văn minh hiện giờ, thì không phải là kết quả của hiểu biết thực sự mà đúng ra là thiếu hiểu biết. Từ xưa đến nay, thi văn, chuyện kể, truyền thuyết có nói tới các nhân vật huyền bí và kỳ diệu vượt trội hơn con người bình thường, như linh hồn con người vượt xa bậc con vật. Tất cả những tác phẩm ấy dù hữu ý hay không đều nói lên sự thật là các bậc Chân Sư, Thánh Nhân, Hiền Triết quả có hiện hữu, và ai biết cách tìm thì có thể gặp các ngài và tin tưởng chắc chắn vào việc ấy.
Các bậc Chân Sư không hẳn đầy bí ẩn như sách vở ghi. Tôi biết có hai Chân Sư (còn gọi là Mahatma) cư ngụ chỗ hẻo lánh ở Tây Tạng, nhưng dựa vào đó mà nói rằng tất cả các ngài đều giống vậy thì không đúng, vì tôi biết có một số Chân Sư sinh sống tại Anh vào lúc này, cũng như tại Hoa Kỳ và gần như tại hầu hết các quốc gia khác. Các ngài không ở một chỗ mà thường khi đi từ nơi này sang nơi khác như người đời, với mọi dáng vẻ bề ngoài hết sức bình thường.
Nhưng đó chỉ là bề ngoài mà thôi, mà không phải sự hiểu biết sâu xa người ta thu thập được khi có liên hệ chặt chẽ hơn với các ngài, với trí tuệ và khả năng của các ngài. Đối với người mới gặp, ngoài hình dạng khang kiện lạ thường, điềm tĩnh, chững chạc, không có gì làm người ta ngờ là các ngài có quyền năng. Thay vì muốn khêu gợi lòng hiếu kỳ hay sự hâm mộ của người đời, các ngài tìm cách làm cho mình hết sức bình thường đối với ai nhìn thoáng qua, như không mặc y phục kỳ lạ hay ở nơi thâm u ma quái. Nhiều vị còn tập một tật xấu nhỏ của người đời như hút thuốc, để làm cho mình bình thường thêm trong mắt người đời. Nhưng đó chỉ là cho thế gian mà thôi, với ai tìm đến các ngài mà hội đủ điều kiện thì họ có ấn tượng khác hẳn, thấy được phần cá tính kỳ diệu của các ngài mà ai khác không được cho thấy. Và chuyện thiết yếu là muốn thấy được thì ta phải biết cách tìm, chỉ có ai theo chỉ dẫn này mới có thể khám phá sự thực, và sự thực ấy là phần căn bản của chuyện kể về các ngài. Nói khác đi thế giới bên ngoài không biết phải tìm gì nên không thấy được gì, hay cao lắm thì chỉ thấy được chút ít, thế nên muốn có lời mô tả về bậc Chân Sư thì bắt buộc người ta phải quay sang người đệ tử, và dựa vào người này mà thôi, vì do lòng khát khao minh triết bí truyền họ đã có quyền được biết vị Chân Sư với trọn nét thiêng liêng của các ngài.
Chúng ta hãy tưởng tượng một con người không có nhược điểm nào của người bình thường, một người hoàn toàn không có lòng ích kỷ, kiêu ngạo, ghen tị, giận dữ, thù ghét và những tật xấu khác, hơn thế nữa đó là một người có tâm thức hết sức sâu rộng, linh hoạt vô cùng tới mức ta nghĩ đó là siêu thức hơn là sức sống. Và siêu thức này vì vậy có liên tục sự bình an và từ ái vô điều kiện, đi kèm với minh triết thượng đẳng và quyền năng. Nói về quyền năng, vị Chân Sư có được hiểu biết về thiên nhiên và những luật trong trời đất mà nhân loại nói chung chưa biết, và có thể kiểm soát những năng lực thiên nhiên theo cách mà chúng ta không thể tưởng tượng được, đừng nói là làm theo. Nếu ngài biểu diễn cách điều khiển những luật này (là điều ngài không bao giờ làm) thì con người không tin và thiếu hiểu biết sẽ bảo đó là nhà ảo thuật hay tệ hơn là kẻ gạt gẫm. Nói khác đi, chỉ cho người ta điều mà họ không thể hiểu thì lập tức họ sẽ gán nó cho điều gì mà họ có thể hiểu được, vì đó luôn là khuynh hướng của ai chưa hiểu biết.
Chúng ta đã tìm cách nói về con người bên trong, nay nói về hình dạng bên ngoài của vị Chân Sư thì bắt đầu là ngài cho thấy có sự khang kiện luôn luôn và trong nhiều trường hợp là sự trẻ trung, hay đúng hơn là tuổi trung niên sung mãn. Do chọn lựa làm việc không ngừng để giúp nhân loại tiến hóa, và thấy rằng một thân xác già nua là trở ngại cho nỗ lực trên, ngài dùng sự hiểu biết bí truyền của mình để ảnh hưởng những phân tử của thể xác, và do đó ngăn chặn không cho thân xác già yếu, cũng như nó chỉ chết đi khi ngài chọn tới lúc qua đời, mà không chết trước đó. Ta cũng không nên quên một điểm khác có liên hệ với nét trẻ trung và sức khỏe trọn vẹn của ngài, ấy là ngài hoàn toàn thoát khỏi sự phiền não, hoàn toàn không vướng mắc vào tất cả những tình cảm xáo động có khuynh hướng làm già nua thân xác, và đảo lộn sự quân bình của cơ thể. Trong tâm ngài có sự bình an trường cửu, và đối với ngài những âu lo rối rắm của cuộc đời xem ra vô nghĩa và trẻ con, giống như chuyện lo âu của đứa trẻ thì vô nghĩa với người lớn. Nhưng bởi có tình thương bao la, ngài có thể thông cảm với người khác như bà mẹ thương yêu và thông cảm với con mình, hiểu được nỗi lo lắng mà bà biết ngày kia đứa trẻ sẽ vượt qua. Bởi muốn cho lòng thiện cảm có giá trị thật sự thì  nó phải không vướng chút sợ hãi, bằng không nó sẽ không thể giúp đỡ hay an ủi, thế nên lòng thiện cảm không có chút sợ hãi của vị Chân Sư là sự giúp đỡ có giá trị nhất mà người ta có thể tưởng tượng được. Đằng sau lòng tuyệt đối vô úy này là sự Hiểu Biết, cái Hiểu Biết phải có như là nền tảng chân thực và duy nhất cho sự an ủi, xoa dịu quả tim rướm máu của nhân loại bị đau khổ.
Lời mô tả thiếu sót trên về vị Chân Sư là để độc giả có thể hiểu dễ hơn tính xác thực của quyển sách, và không cho rằng tôi thêm thắt, và nếu trong những trang sau tôi chỉ tả được 1/4 phần tinh túy phát ra từ bản chất ngài là tôi không thất bại hoàn toàn, và đó là tất cả những gì tôi có thể hy vọng trong công việc hết sức khó khăn này. Tôi bị giới hạn rất nhiều vì không thể thêm bớt, tô điểm vẽ vời như viết tiểu thuyết, vị Chân Sư hết sức cao cả so với người thường nên cách duy nhất để biết ngài là đối điện với ngài bằng xương bằng thịt. Vì không có chút kiêu căng và tìm cách tránh khêu gợi mọi hình thức hiếu kỳ của công chúng, ngài tìm đủ cách để hướng sự chú ý của người về chuyện khác thay vì hướng đến ngài, do đó nếu ngài sống tách biệt với thế giới thì ấy là để dấu mình trong sự cô tịch, và nếu ngài sống giữa thế giới, ấy là để che dấu mình ngay giữa đám đông.

 

CHƯƠNG  1

VỊ  CHÂN  SƯ

 

Tôi có trước mặt công việc to tát là viết lại cảm tưởng của tôi về một vị đã đạt tới mức tiến hóa vượt xa khỏi người thường, tới nỗi ta có thể xem ngài như là bằng chứng sống động để bác lại câu nói 'Không có ai là toàn thiện trong thế giới.' Câu ấy không đúng và một trong những mục đích của cuốn sách này là nhằm chứng minh điều không đúng ấy. Việc thầy J.M.H. (tôi không được phép tiết lộ tên thật của ngài ) có là một bậc Đại Sư (Adept) hay không thì tôi không nói được, thật sự tôi không biết vì ngài hết sức kín đáo với những gì liên quan đến mình. Nhưng tôi biết rằng nếu bỏ qua những ý nghĩa không đúng về thánh nhân hay siêu nhân, thì thầy J.M.H. (tôi thường gọi ngài là Moreward) có thể được gọi rất chính xác là vị thánh hay là bậc siêu nhân. Thực vậy, được tiếp xúc với bậc siêu phàm như thế cho tôi thấy rằng vị thánh có thể hiện hữu trên đời mà không cần có lòng sùng tín quá độ làm rất bực bội, cũng như bậc siêu phàm có thể có trên đời mà không cần có lòng ham muốn quyền lực. Hơn nữa có một điều mà nếu không có thì không sao người ta thành thánh nhân hay siêu nhân được, là đặc tính tinh thần.
Có người thiếu óc tưởng tượng đã cho rằng toàn  thiện cũng có nghĩa là người chán phèo, nhưng họ không thấy rằng tính chán phèo ấy là một nét của sự bất toàn thay vì sự toàn thiện. Theo lý luận ấy, sống trong cõi Niết Bàn hằng an lạc thì cũng như sống trong địa ngục đời đời chán ngấy. Thầy Moreward không hề làm người ta chán ngấy, ý kiến và hành động của ngài không đoán trước được. Câu chuyện về Vị rất đỗi lạ thường này là chuyện thật, ngài quả có hiện hữu trên đời mà vì một số lý do tôi sẽ giải thích về sau, tôi bắt buộc phải dấu kín tên tuổi của ngài , nhưng tôi thấy cần phải nhấn mạnh sự kiện là ngài có thực, bởi người ta có thể nghi ngờ việc có thể đạt tới mức độ hoàn thiện như ngài biểu lộ, và do đó không chừng xem ngài chỉ như là một nhân vật tiểu thuyết, là sản phẩm của óc tưởng tượng mà thôi. 
Tuy ngài là nhân vật sống thực, tôi cần thưa ngay từ đầu với độc giả rằng tôi không sống trong cùng nhà với ngài, vì vậy tôi không theo dõi tất cả những việc làm của ngài để sau đó thuật lại. Chuyện tôi sẽ làm là ghi lại ý kiến của ngài, và cách ngài thực hành những ý kiến ấy mà không làm gì khác hơn. Tôi không thể viết lại chuyện đời ngài vì lẽ giản dị là tôi không biết chuyện ấy, và chỉ có thể đoán là nó rất thú vị. Về diện mạo của ngài thì tôi được yêu cầu là không nên đưa ra nhiều chi tiết, tôi nghĩ tốt hơn để cho độc giả trọn quyền tưởng tượng, vẽ ra con người của ngài dựa theo lời kể về hành động và lời nói của ngài. Điều tôi có thể ghi là ngài có sức khỏe hết sức khang kiện, và trong những năm quen biết ngài, tôi không hề thấy ngài buồn rầu, ngoại trừ sự buồn rầu nhẹ nhàng của lòng từ ái bao la, thế nên tưởng tượng thì gương mặt của ngài đầy vẻ an lạc thư thái, nó có nét đẹp tương ứng không sai chạy với cái tâm bình lặng. Đối với chuyện khác tôi xin thêm là ngài J.M.H. bước vào đời tôi cách đây khoảng 20 năm (sách xuất bản năm 1920), và xa tôi 10 năm sau đó tới nơi khác làm việc. Tuy vậy tôi được ngài cho phép viết lại những ấn tượng này, cùng lúc ngài yêu cầu tôi đừng viết những gì có thể làm lộ danh tính của ngài, và của những ai mà ngài có liên hệ.
Tôi xin nói thêm một điều nữa để giải thích làm sao viết ra những ấn tượng đó. Khi tôi nhận ra là mình được tiếp xúc với người có sự minh triết lạ lùng, tôi dùng tốc ký ghi lại nhiều lời nói của ngài khi nào có dịp. Rất thường khi tôi phải hoàn toàn dựa vào trí nhớ, khi không thể móc sổ ra ghi trước mặt người khác. Một đôi khi tôi nhớ sai nên chuyện kể không đúng, và có thể tôi gán cho ngài những lời mà ngài không hề thốt ra. Trong trường hợp đó thì phần lỗi về tôi mà không phải là ngài, và cũng vì vậy mà tôi gọi đây là cảm tưởng hơn là một cái tựa quan trọng hơn.

 

CHƯƠNG  2

KHÁCH  LẠ

 

Gặp được một nhà hiền triết tại phòng khách thông thường của một tư gia tại London là chuyện bất ngờ. Làm sao thầy J.M.H. có mặt tại phòng khách của một trong những phu nhân lịch thiệp nhất của London là bí ẩn tôi sẽ tiết lộ sau này, ở đây chỉ cần ghi rằng nhờ lòng hiếu khách của Lady Eddisfield mà tôi có được tình thân hữu quí giá nhất trong đời mình, cũng như tôi không sao quên được chi tiết về cuộc gặp gỡ lạ lùng ấy. Tôi nhớ lại rằng lúc phần nhạc mà không có tính nhạc chút nào kết thúc, tôi ngồi ở bàn tiệc với bốn người khác, một người mà tôi gọi trong phần này là nhà hiền triết và ba phụ nữ. Ngài đang nói chuyện với các bà, và ba phụ nữ này nghiêng người tới trước, đầy vẻ chăm chú lạ lùng, xem như đó là minh triết khác thường còn tôi khi ấy chỉ coi nó khác lạ mà không hẳn là minh triết.
– Có quan niệm là cách ngừa đối với mọi nỗi buồn rầu, và mục đích của mọi cách suy nghĩ chín chắn là có được quan niệm đúng đắn. Như vậy sự đau khổ nội tâm là kết quả của tính tình còn non dại, và một linh hồn đã trưởng thành không thể nào đau khổ về chuyện mà quí vị vừa nói, giống như người đã trưởng thành không đau lòng vì con búp bê bị vỡ.
Một bà to lớn trong nhóm hỏi:
– Khi dùng chữ linh hồn đã trưởng thành, có phải ông muốn nói như là triết gia ?
– Chính vậy, tôi muốn ám chỉ tới nhà hiền triết, bậc thánh nhân hay triết gia, ngài đáp lại, nói khác đi là người đã hòa hợp cái trí của mình với niềm hoan lạc nội tâm vô điều kiện, cái vốn là tính chất bẩm sinh của mỗi linh hồn con người.
Tôi vểnh tai nghe và chăm chú nhìn ngài trong chốc lát, rồi đặt một câu hỏi.
– Ông bảo mọi sự đau khổ tâm thần là vì trí tuệ còn trẻ con, như thế thì hạnh phúc có giống vậy không ?
Ngài quay lại nhìn tôi với cặp mắt dịu dàng nhưng mạnh mẽ kỳ lạ và đáp.
– Đau khổ là những ảo ảnh của cuộc đời, và đặc tính của trẻ con là thích ảo ảnh, trò chơi của chúng là giả làm vua, làm lính, làm cái này cái kia. Về mặt khác, sự hài lòng là một trong những đặc tính của sự trưởng thành và ...
Một bà chen vào.
– Tôi không thấy có ảo ảnh chút nào nếu vợ ông Wilfrid không còn thương ông nữa, và quay ra thương người khác.
Ngài trả lời một cách từ tốn và mỉm cười.
– Ảo ảnh nằm ở chỗ ông chồng thấy khó chịu về việc ấy.
– Thế à ? Bà cao lớn buột miệng.
– Lòng ghen tuông, ngài tiếp lời, dĩ nhiên cũng là một hình thức của tâm tính còn trẻ con.
– Nhưng ông Wilfrid không hề ghen tuông bao giờ, bà khi nẫy nói tiếp.
Ngài nhìn bà với nụ cười thân thiện hiền lành.
– Ghen tuông có hai mức độ, ngài nói, một là không có lý do nào để mà ghen, cái khác là có lý do. Chỉ có ai không bị xáo động khi có nguyên nhân thực sự để ghen mới đúng là ngườicó tính không ghen.
Một bà trong nhóm quay sang tôi nói một cách nóng nẩy.
– Chắc tôi không muốn lấy ai không có ghen một chút.
– Phải rồi, ngài nhìn về phía bà mỉm cười, có nhiều bà cũng nói y vậy. Bà thấy không, họ nghĩ các ông ghen tuông tức là khen các bà, nhưng đó lại cũng là ảo ảnh vì lời khen ngợi thực sự chỉ có nếu người đàn ông thương yêu nhiều tới mức ông luôn luôn đặt hạnh phúc của bà lên trên hạnh phúc của ông.
– Tôi nghĩ không có mấy ông chồng như vậy trong đời, tôi nói.
– Mà nếu có, một bà thêm vào, thì họ thiếu nam tính, có cho tôi cũng không muốn có chồng như vậy.
– Chuyện đó chỉ vì có lẽ quí vị chưa hề nghĩ kỹ về chuyện này. Ngài trả lời một cách nhẹ nhàng. Quí vị xem này, ngài nói tiếp thật lịch sự, một người phụ nữ cao thượng sẽ không bao giờ muốn chồng mình có cảm xúc khó chịu lẫn thấp kém như vậy chỉ để thỏa mãn lòng kiêu hãnh của mình.
Nghe thế một bà bật lên cười và nói,  'Ông đúng là khéo nói'.
Ngài phác một cử chỉ để bác lời khen.
– Tôi chỉ là một trong những người may mắn hay không may mắn thấy chuyện y như nó là vậy thôi.
Một bà xen vào.
– Như thế ông không có cái nhìn nghệ thuật, ông không làm được như họa sĩ có thể làm, là nhìn ống khói nhà máy mà tưởng rằng đó là lâu đài cổ kính.
– Chà, có lẽ bà nói trúng ngay điểm yếu của tôi, ngài nhìn nhận. Thực vậy tôi có tính chân thực làm cho tôi rất khó hiểu tại sao người ta lại có thể tin chuyện thấy rõ ràng là không đúng.
– Thí dụ như chuyện gì ? tôi hỏi.
– Như một ngườiđàn ông không thể thực sự thương yêu người đàn bà trừ phi ông tỏ ra ghen tuông.
– Rõ ràng là ông chưa có gia đình, tôi xen vào với chút ác ý.
– Tôi đã có gia đình, ngài trả lời sau khi ngưng hơi lâu một chút và trí tôi thoáng qua chữ 'ly dị', nhưng ngài tiếp, bây giờ thì tôi góa vợ.
Nghe vậy chúng tôi trong bàn vội vã liếc nhau.
– Dù vậy, ngài nói thêm như để làm chúng tôi được tự nhiên, cái nhìn của tôi về chuyện vợ chồng không phải là lý thuyết suông.
– Vâng, một bà nói, ông quả là người chồng hết sức rộng lượng.
Ngài lại xua tay bác lời khen này.
– Tôi chỉ là người chồng thực tế vì tôi luôn luôn cho rằng làm khác đi, tức không rộng lượng như bà đã khen, thì không có lợi.
– Nói vậy là sao ? một người trong bọn chúng tôi hỏi.
– Là muốn sở hữu người khác thì giống như muốn chiếm lấy mặt trăng vậy, bởi mỗi linh hồn con người thì chỉ thuộc về họ thôi, không thuộc về ai khác.
– Vậy lập gia đình để làm chi ? tôi nói.
– Để quí vị có thể sống với người mình thương yêu mà không làm cho cô gái bị mang tiếng, câu trả lời được đưa ra ngay.
Tới đây tôi đâm ra bực mình khi người hầu tiệc ngắt lời và nói nhỏ rằng bà chủ nhà muốn tôi dự một ván cờ cho có đủ chân. Tôi đứng dậy cáo lỗi rồi rời bàn. Tới khuya khi tôi đứng ở tiền sảnh chờ xe, óc tò mò của tôi được thỏa mãn đôi chút, vì một trong ba phụ nữ cùng bàn cũng đứng chờ xe ở đó. Tôi hỏi nhỏ.
– Ông trẻ tuổi kỳ lạ đó là ai vậy ?
– Trẻ à ? bà nói. Tôi đoán ông ta phải hơn 55 là ít.
– Vậy càng làm cho ông ta kỳ lạ thêm, nhưng ông ta là ai thế ?
– Tên ông là Justin Moreward Haig, mới từ Rome đến khoảng hai tháng nay, tôi biết có thế thôi.
Dù chỉ mới gặp ngài  có nhiều lắm là 20 phút, nhưng có một sức thu hút, sự dịu dàng cùng với một sức mạnh về trọn con người của ngài  làm tôi bị lôi cuốn về ngài một cách không cưỡng lại được. Cho là người ta hoàn toàn bất đồng ý kiến với những gì ngài nói, ngài làm cho họ cảm thấy là ngài hết sức sáng suốt, mà khi nói chuyện như vậy ở bàn tiệc và với người lạ, thì ngài lại có vẻ ngây thơ một cách lạ lùng. Tôi lại còn nghĩ rằng không chừng ngài điên, như tôi nghĩ trong lần tiếp xúc kế với ngài, và có sự thành thực như là dấu hiệu của bệnh điên. Thực tế là chỉ có người điên mới hết sức thành thực nói ra ý tưởng chưa nghe bao giờ, chỉ có họ mới tin rằng điều họ nói là tuyệt đối trúng.
Những ý tưởng này liên tiếp nẩy sinh trong óc tôi lúc đứng chờ với bà cùng bàn, và tôi tìm cách hỏi chuyện để có chi tiết về người lạ.
– Làm sao bà biết là ông bấy nhiêu tuổi rồi ? tôi nói.
– Ông ta có con gái đã lập gia đình, trông khoảng trên dưới 38 tuổi. Bà đáp.
– Cô ta có mặt ở đây tối nay không ?
– Cô quay về Rome chừng hai tuần trước rồi.
– Mà bà có chắc rằng cô là con gái của ông không ? tôi gặng hỏi.
– Ông ta giới thiệu cô như vậy, nhưng lẽ dĩ nhiên ai dám chắc chuyện gì, bà thêm vào có hơi xấu bụng một chút, nhất là mối liên hệ giữa người đời với nhau.
Khi ấy xe của bà đến và việc truy hỏi của tôi bị ngưng, cũng như lần gặp gỡ đầu tiên của tôi với ngài chấm dứt.

 

CHƯƠNG  3

BUỔI  GẶP  THỨ  HAI

 

Tôi thú thật rằng trong vài ngày sau buổi gặp đầu tiên ấy, tôi suy nghĩ nhiều về bữa tiệc và nhân vật chính tối hôm đó, khác với thói quen thường ngày. Ngoài câu hỏi chưa giải thích được rằng ngài là ai (vì tên ngài không cho biết gì nhiều đối với tôi), trí tôi nẩy sinh một loạt những thắc mắc khác mà không có câu trả lời thỏa đáng nào. Cũng như vài người quen mà tôi hỏi thăm về ngài không làm sáng tỏ gì hơn ngoài điều mà bà bạn vừa nói cho biết, câu trả lời của họ không thêm gì khác ngoài câu trả lời của bà. Cách ngài dùng chữ 'trẻ con' làm tôi ban đầu tự hỏi là ngài có kiêu ngạo quá mức chăng, nhưng rồi tôi nhớ lại là ngài nói chữ ấy một cách vô tâm không có chút ý riêng nào, giống như người ta nói trời có mây hay không mây, thế nên ý tưởng kiêu ngạo biến mất khỏi tâm trí tôi.
Và tới ngày kia chúng tôi tình cờ gặp nhau trong vườn Kensington để từ buổi đó những thắc mắc trên và nhiều điều khác biến mất.
Tôi đang ngồi mơ màng nhìn lối đi quanh co uốn lượn của khu vườn, trông giống như giòng sông trôi giữa hai bờ cỏ mềm hiền hòa, thì ngạc nhiên thấy ngài bất chợt đến và ngồi xuống cạnh tôi.
– Chúng ta được xếp đặt làm bạn với nhau, ngài nói, đưa tay đặt lên cánh tay của tôi trong chốc lát, vậy thì bắt đầu tình bạn sớm chừng nào tốt chừng đó.
Tôi lẩm bẩm vài câu ngỏ ý hân hạnh và vui thích, vì lời ấy làm tôi vui dù thấy nó có hơi lạ.
– Chúng ta đừng mất thì giờ nói xa xôi mà nên đi ngay vào chuyện như bạn thấy. Nói chỉ để mà nói thì ít khi nên làm.
Tôi đồng ý là thường khi người ta nói nhiều quá, nhưng tôi tự hỏi chữ 'chúng ta' này có nghĩa gì, vì nó không có vẻ như gồm có tôi trong đó.
– Tôi nhớ lại, ngài tiếp tục nói, khi tôi từ giã bạn trong hoàn cảnh có hơi buồn thảm khoảng hai ngàn năm trước ở Ai Cập, tôi tìm cách an ủi và nói với bạn rằng chúng ta sẽ gặp nhau trong hoàn cảnh tốt đẹp hơn, khi ấy bạn có thân xác nữ.
– Thật ư ? Tôi ráng nói một cách tự nhiên vì chợt nẩy trong trí tư tưởng là không chừng tôi đang nói chuyện với người điên. Bởi có người điên tỏ ra rất dễ mến. Ngài nhìn tôi một lát với đôi mắt tỏ vẻ thân thiện hóm hỉnh.
– Bạn có nhớ bà cô của bạn tên là cô Jane Wibley không ? ngài hỏi.
Tôi đáp là có, trong nhà thường xem cô là người kỳ quặc.
– Tôi quen biết cô Jane, ngài nói.
– Biết cô Jane ? tôi lập lại, nhưng cô đã qua đời hai chục năm rồi.
– Việc đó không làm trở ngại cho tình thân của chúng tôi, ngài trả lời gọn ghẽ.
– Nào, tôi cười và nói nhưng trong lòng thấy bực dọc chút đỉnh, ông có đùa không đấy ?
– Tôi không trách bạn là thấy bực mình đối với tôi, ngài cũng cười và đáp, nhưng bạn hãy chờ xem rồi biết. Bạn có nhớ, ngài tiếp tục, trong nhà thường chế diễu cô đôi chút vì khuynh hướng tâm linh của cô không ?
Tôi có nhớ chuyện ấy.
– Bạn cũng có nhớ là sau một lần tranh luận trong nhà, cô hứa chắc rằng sẽ có ngày cô thuyết phục được ai chống đối bằng cách gửi một tin sau khi qua đời rồi không ?
Tôi nhớ rõ điều đó.
– Tốt lắm, thế thì cô đã gửi tin về.
– Tin gì thế ? Tôi hỏi mà không tin chút nào.
Ngài nói cho tôi hay và tôi phải  thú nhận rằng nó rất đáng tin, vì nó đề cập tới một chuyện chỉ liên quan đến tôi mà thôi.
– Làm sao ông có được tin ấy ? tôi hỏi.
Ngàigiải thích kỹ cho tôi hay, và sau khi nghe xong tôi nói.
– Tôi chắc ông thuộc về phái thông linh học (Spiritualism) ?
– Không đúng theo nghĩa mà bạn muốn nói đâu, ngài trả lời. Tôi là đủ mọi phái mà nếu bạn muốn thì cũng không là phái nào. Sinh ra có một niềm tin là tốt, mà chết đi trong niềm tin ấy thì là chuyện không may. Niềm tin giống như cây nạng để có người nhờ đó cà nhắc tới Chân Lý, khi tới rồi thì người ta vứt cây nạng đi. Nhiều người sùng đạo có niềm tin, nhưng tin tưởng không nhất thiết là biết, chỉ có nhà huyền bí học thực hành là biết thôi.
– Vậy ông là nhà huyền bí học ?
– Phải tôi chắc người ta có thể gọi tôi như vậy, ngài nói một cách khiêm tốn.
– Thế thì, tôi hỏi đầy vẻ tò mò, làm sao một người như ông lại vui thích chuyện tiệc tùng chán ngấy trong xã hội London ?
Ngài cười lớn.
– Một chuyện chán ngấy hay thú vị là tùy cách bạn làm nó, ngài nói. Nếu bạn thật sự muốn biết thì xin thưa tôi đi tìm chuyện thú vị tinh thần.
Tôi không hiểu rõ ý ngài và bảo thế.
– Phải rồi, câu đó có hơi mù mờ, ngài đáp, nhưng khó mà cắt nghĩa khác đi chỉ trong một câu ngắn.
– Tôi thực tình muốn biết nó là gì, thật đấy. Tôi thúc giục ngài.
– Nào, nó như thế này, tôi thích làm chuyện mà đối với bạn có vẻ lạ lùng, nhưng tôi tìm cách thay đổi quan niệm người đời để chỉnh lại những khó khăn của họ. Nếu muốn gọi  tôi bằng tên dễ chịu thì bạn có thể gọi tôi là nhà nhân ái, làm chuyện từ thiện bằng cách nói luân lý.
Tôi bắt đầu hiểu một chút.
– Tôi không có công gì đâu, ngài nói tiếp, nó là chuyện giết thì giờ như những chuyện khác nhưng có một lợi điểm rất lớn, là mang được điều tốt lành cho người ta. Ai đi săn giải trí thì gây đau đớn cho những sinh vật khác để mình được vui, còn thú giải trí lý tưởng là có niềm vui bằng cách làm mất đi nỗi đau của người khác.
– Vậy triết lý của ông là cho ra ? Tôi hỏi.
– Vâng, ngài nói, nhưng có hai loại cho ra, một loại quà thì tạm bợ, một loại khác thì lâu bền.
Tôi không hiểu cho lắm câu đó.
– Nếu bạn cho một người lang thang và đói bụng mấy đồng, ngài nói, thì vài giờ sau khi tiêu xài hết tiền họ sẽ đói bụng trở lại; nhưng nếu bạn cho họ thấy một quan điểm làm họ thật tình muốn đi làm, thì bạn đã cho họ một điều vô giá.
Tôi nói là thấy triết lý của ngài đầy sáng suốt một cách thực tế.
– Bây giờ, ngài tiếp tục, có rất nhiều người đầy lòng xả kỷ đi vào khu ổ chuột phân phát tặng vật, nhưng nói một cách bóng bẩy thì có ai đi vào khu ổ chuột của xã hội và mang an ủi tới cho các bà vợ bị bỏ rơi, tới người bị tình phụ, người đang si mê trong tình yêu, người chồng đau khổ, và vô số những ai đau khổ có đầy trong xã hội ?
– Thấy ông đang làm việc đó.
– Tôi cố gắng làm vậy.
Tôi móc ra hộp thuốc và mời ngài một điếu, được ngài nhận lời (xin nhắc lại chuyện viết vào thập niên 1920, lúc xã hội chưa biết nhiều về nguy hại của thuốc lá). Nhưng rồi tôi khám phá là không mang theo hộp diêm. Ngài lấy trong túi ra một hộp nhỏ bằng vàng, lúc ấy gió xuân đang thổi và mỗi lần que diêm bật cháy thì bị gió thổi tắt ngay. Tôi nhìn ngài một cách thú vị vì ngài hoàn toàn không có chút nóng nẩy làm tôi thấy lạ hết sức.
– Ông không hề mất kiên nhẫn ư ? cuối cùng tôi hỏi.
Ngài nhìn tôi và cười.
– Nóng nẩy à ? ngài nói, để làm gì ? Tôi có cả sự vĩnh cửu trước mặt mình.
Và rồi ngài châm điếu thuốc cho tôi với que diêm chót hết trong hộp.
– Nào, bây giờ trở lại câu hỏi của bạn, nay bạn rõ vì sao tôi lui tới các nơi trong xã hội London chứ gì, ngài nói.
– Và xã hội vì vậy mà được tốt lành hơn, tôi nói.
Ngài gạt lời khen ấy qua bên như vẫn luôn làm vậy.
– Nhưng có một điều mà bạn không biết, ngài thêm vào.
Tôi hỏi điều gì.
– Bạn không biết vì tôi không thích nói về mình. Nói xong ngài đứng dậy.
Tôi cười, 'Sẵn đây', tôi đứng dậy bắt tay ngài, 'Tôi chắc ông chưa biết tên tôi, chúng ta chưa chính thức được giới thiệu với nhau'.
– Bạn quên bà cô của bạn, ngài nháy mắt và nói.
Tôi lại cười nữa, cách giới thiệu này quả là mới mẻ.
– Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở nhà bà Darnley chiều thứ tư này, ngài vừa quay đi vừa nói.
– Nhưng tôi không được mời, tôi bảo, vả lại chiều hôm ấy tôi có cái hẹn khác.
– Chúng ta vẫn gặp nhau ở đấy. Rồi ngài bước ra lối đi trong vườn.
– Mình thích người này, tôi nói thầm trong lúc nhìn ngài đi khuất bóng.
Và lạ lùng thay, khi về nhà tôi thấy cuộc hẹn chiều thứ tư được dời lại, và hôm sau có thiệp mời của bà Darnley.

 

CHƯƠNG  4

TÍNH CÂU  NỆ  CỦA  BÀ  DARNLEY

 

Chẳng bao lâu tôi khám phá là thầy J.M.H. có chủ trương vô hại là dùng chính mình gây kinh ngạc nơi người khác. Đa số thường ngại ngùng không muốn nói chuyện gì bất ngờ, và khi bắt buộc phải nói thì họ rào trước đón sau dài dòng, khiến cho điều bất ngờ trở thành chuyện ai cũng biết trước là sẽ tới. Khi thả quả bom vào buổi trò chuyện khô khan đầy thói tục của xã hội, thầy có hai mục đích, một mặt thì rõ ràng là ngài thích vậy, mặt khác thì bất ngờ ấy làm người ta phải suy nghĩ. Có hôm thầy bảo tôi.
– Có hai cách để nhấn mạnh, một là hét to không ai thích, hai là trưng ra một sự thực lạ lùng chưa được biết tới như thể ta đang nói điều hiển nhiên nhất trên đời.
Và chắc chắn là cách ấy mang lại kết quả, vì tôi có thể nói là tôi nhớ từng chữ một trong câu chuyện giữa thầy với tôi ở vườn Kensington hôm đó, cũng như là đa số những lời nói (mà tôi gọi là lời giảng) của thầy. Tuy vậy có một điều khác ngài không hề làm, là không bao giờ nói điều gì chỉ để gây chú ý, bất cứ điều gì ngài nói đều là điều ngài tin rằng đúng, và thầy nói điều ấy với sự giản dị đáng tin hàm ý ngài biết người nghe tin rằng nó cũng là điều thực. Kết quả thêm của việc này là nó khiến con người thầy đầy vẻ trong trắng, trẻ thơ, thu hút và khuyến dụ được ai tiếp xúc với thầy. Thực vậy khi người ta bị kinh ngạc là bị kinh ngạc một cách dễ chịu và không hề nẩy sinh ý nghi ngờ hay tức giận chút nào. Chuyện không thể khác hơn vậy được vì ngài không hề tấn công vào niềm tôn kính của họ bằng cách chế diễu nó, phương pháp của ngài trong việc vạch ra lỗi lầm ít khi là nói rằng họ sai, mà nói rằng có điều khác trúng. Dầu vậy cũng có ngoại lệ đối với người mà ngài gọi là người giả hình Pharisees đương thời, ngài bảo 'Với trường hợp này thì thầy cực chẳng đã phải dùng búa đập vỡ ngẫu tượng giả của họ.'
Bà Darnley là một người quen đã lâu của tôi và thường mời khách dự những bữa ăn tối có rất ít người. Thực vậy, tối đó khi tới nơi tôi không ngạc nhiên mà lại hài lòng thấy không có khách nào khác ngoài thầy Moreward Haig và tôi. Bữa ăn do đó gồm bà Darnley, cô Sylvia con gái bà còn trẻ và quyến rũ, cùng với hai chúng tôi; mà số người cũng bớt thêm vì khi xong bữa, cô Sylvia cáo lỗi phải đi dự cuộc họp bạn và không thể ở lại tiếp chuyện với chúng tôi. Bà Darnley hôn con gái, nói 'Chào con' với nét âu yếm do tục lệ đòi hỏi hơn là do tình thương, và nhìn theo cô trầm ngâm chứng tỏ bà đang suy nghĩ nhiều, sau đó bà quay sang khách nói lên ý nghĩ của mình.
– Con nhỏ làm tôi lo, bà ưu tư bảo, tôi không thích chuyện đang xẩy ra cho nó.
Hai chúng tôi bầy tỏ thiện cảm và hỏi bà có việc gì đáng lo. Bà đáp.
– Chuyện có liên quan đến một ông thi sĩ. Chúng tôi  cười lớn.
– Cô gái làm bạn với một chàng thi sĩ ư ?, thầy hỏi.
– Thầy gọi đó là tình bạn, bà nói, nhưng tôi không tin có tình bạn giữa trai gái trẻ tuổi.
Hai chúng tôi lại cười vang vì ý kiến này.
– Nào, tôi bảo, tình bạn là chữ duy nhất thích hợp, khi cô gái không phải là vợ của chàng trai, không phải là vị hôn thê hay là ...
– Xin đừng nói chữ đó, bà vội vàng ngắt lời, bằng không ông làm tôi bực mình lắm đó, dĩ nhiên con gái tôi không phải người như vậy.
Thầy nhìn bà Darnley cười và nói.
– Tình bạn là chữ đẹp đẽ và lại là chuyện tốt đẹp hơn nữa, vậy tại sao từ chối không nhận là có nó ?
– Tôi không phủ nhận có nó ở đúng chỗ và giữa hai người thích hợp, nhưng Sylvia đầy tình cảm, bà nói có hơi do dự, nó không được cẩn trọng.
– Thế chữ cẩn trọng có phải là đồng nghĩa với chữ tình yêu trong cách suy nghĩ của bà chăng ? tôi hỏi.
– Ông biết rõ tôi muốn nói gì.
– Vâng, nhưng bà có chắc là bà biết điều mình muốn nói là gì không ? tôi gặn hỏi.
– Ông thiệt là thô lỗ, bà nói, đương nhiên tôi phải biết chứ.
– Nhưng chắc chắn là tình cảm thêm vào tình bạn, tm tiếp lời sau cuộc trao đổi của bà với tôi, là chuyện hết sức may mắn, nó làm cho tình bạn được trọn vẹn hơn. Bà không mừng là con gái bà nên cảm được điều gì đó có thêm vào hạnh phúc của cô sao ?
– Tôi không nghĩ là nó sẽ thêm vào hạnh phúc của con nhỏ, bà đáp, ngoài ra tôi không nghĩ như vậy là đúng đắn.
– Thế thì bà cho là không đúng đắn việc con gái bà quí chuộng bất cứ ai ngoài bà và chính cô ấy ? tôi hỏi đùa.
– Đừng vô lý, ông Broadbent ! bà đáp và phá ra cười tuy ráng làm mặt nghiêm mà không được.
– Bà nhận rồi đấy nhé, tôi bảo.
– Vậy bà nghĩ, thầy Moreward hỏi mà không có chút mỉa mai, là người ta chỉ nên thương kẻ thù của mình thôi hay sao ?
– Cố nhiên không phải rồi.
– Tôi có nghe câu là 'Hãy thương yêu người bên cạnh mình', tôi nháy mắt thêm vào, tôi chắc bà có thực hành điều ấy.
– Tôi có tập làm vậy, bà nói với vẻ thành kính thoảng qua rất mau.
– Nhưng bà không nghĩ là con gái bà nên thương yêu người bên cạnh cô, nhất là khi đó là một người đàn ông, và lại là thi sĩ ? tôi bồi thêm và lại nháy mắt thêm vào.
– Ông biết rõ là nó không phải tình thương đó.
– Chà, phải đây đúng là chỗ mà bà sai không ? thầy Moreward nói một cách sôi nổi dịu dàng. Trên thực tế chỉ có một loại tình thương, còn sự khác biệt mà bà và những người khác cũng tạo ra mà chắc không hề nghĩ kỹ về nó, thì thuộc về mức độ mà không phải là loại khác.
Bà liếc tôi một cái như có ý nói 'Tôi sẵn sàng nghe thầy nói, vì thầy không dùng tôi làm trò đùa'.
– Bà nói không tin có tình yêu thuần khiết không vướng bận nhục dục (platonic love), ngài nói tiếp, ít nhất đó là ý tôi suy diễn, nhưng nếu bà có thể tin điều ấy thì bà sẽ đồng ý với giá trị của nó.
– Có thể tôi sẽ đồng ý, bà trầm ngâm nhìn nhận.
– Tốt lắm, nhưng nói cho sát thì thế nào là tình yêu thuần khiết. Nó chỉ là sự kết hợp của thiện cảm về trí tuệ và thiếu thiện cảm về mặt thể chất.
– Đó là định nghĩa hay nhất mà tôi được nghe, tôi chen vào.
– Tôi sợ là tôi không có đủ thông minh để hiểu, bà Darnley nói với vẻ khiêm tốn không thành thực cho lắm.
– Thế này này, tôi giải thích, nó có nghĩa người đàn ông ưa thích đàm luận với người đàn bà, miễn là ông ta có thể ngồi ở đầu kia của chiếc ghế sofa bao lâu mà ông muốn, và không thích ngồi gần hơn vì ông không thích thân xác của phụ nữ ấy. Phải không ạ ? tôi hỏi thầy Moreward.
– Nói có hơi thô một chút nhưng cũng đúng. Ngài đồng ý và cười to.
– Tôi thấy vậy không lịch sự cho lắm, bà Darnley phê bình.
– Cảnh đó chán phèo, tôi nói thêm để trêu ghẹo bà.
– Nhưng đó là điều triết gia Plato không hề hàm ý, thầy Moreward tiếp tục sau khi bị tôi ngắt lời. Ông chỉ muốn nói tới việc tự kiểm soát mình, việc có lòng thương yêu mà kềm chế không chìu theo và biểu lộ nỗi đam mê thể chất.
– Trời, bà Darnley kêu và không biết mình nên tỏ vẻ xúc động hay không. Tôi chưa hề nghe ai nói như vậy hồi nào. 
– Giống như nhiều chuyện khác, tôi xen vào, người giả hình uốn cái nghĩa nguyên thủy cho hợp với quan niệm của họ.
– Giả hình ! bà nhắc lại. Thời này chắc chắn là đâu có người như vậy nữa.
Suýt nữa tôi buột miệng nói với bà rằng theo tôi bà là người giả hình, nhưng tôi ngậm lại.
– Bà có nghĩ là chính người giả hình thời nay, thầy Moreward nói, đã làm bà tin rằng việc con gái bà quí chuộng người đàn ông này là không đúng đắn không, nói khác đi là tình cảm ấy sai lầm ? Còn theo khía cạnh tinh thần thì chuyện sai lầm sẽ là khi cô ấy không quí chuộng ông thi sĩ.
– Chà, thầy Haig, bà bảo, thầy nói ngược lại hết mọi chuyện.
– Nhưng chính người giả hình mới đảo ngược hết mọi chuyện, tôi nói, họ bảo là 'Bạn chớ nên thương yêu người cạnh mình'.
Bà cười một cách yếu ớt.
– Bà có muốn con gái của bà có trái tim không biết thương yêu không ? thầy Moreward hỏi với vẻ đơn sơ bình thản.
– Dĩ nhiên tôi muốn một ngày kia nó thương yêu ai đó, yêu đúng người. Bà trả lời.
– Đúng theo nghĩa là có tiền ? tôi xen vào.
– Đúng theo mọi nghĩa, bà chữa lại.
– Điều gì tốt cho bà thì có thể là độc cho cô, tôi đáp.
Bà giả vờ không hiểu nhưng thật ra bà hiểu rất rõ.
– Bà Darnley, bà có bao giờ thấy là, thầy Moreward nói với vẻ kính trọng, tại sao có nhiều cuộc hôn nhân không có hạnh phúc không ?
– Chà, tôi chưa hề nghĩ nhiều về chuyện ấy, bà nói.
– Bà có nghĩ là có lẽ vì có quá nhiều bà mẹ nhìn tình bạn theo quan điểm hôn nhân không ?
– Có lẽ, nhưng đó không phải là việc tôi đang làm ...
– Xin lỗi bà, ngài nói với  vẻ dịu dàng ân cần và phác tay, nhưng chính đó là điều bà đang làm. Bà đang phân vân lưỡng lự giữa hai chuyện về hôn nhân.
Bà trông có vẻ rối trí thật tình và bảo thầy như thế.
– Tôi muốn nói, thầy giải thích, là bà sợ con gái bà có thể muốn thành hôn với ông này, mà bà cũng e ngại là cô có thể không muốn thành hôn với ông. Nói vắn tắt thì thái độ của bà đối với tình thương yêu là hoặc dẫn tới hôn nhân hoặc không có gì hết. Bà này, thái độ ấy là nguyên cớ cho đa số cuộc hôn nhân thiếu hạnh phúc. Người trẻ lấy người họ quen mà không thích hợp thay vì kết hôn với bạn chân tình.
– Nói như thầy thì dễ, bà nói tỏ vẻ không tin, nhưng thật sự tôi không thể cho phép con gái tôi có một loạt những cuộc tình. Làm vậy người ngoài sẽ nghĩ sao đây ?
– Để ý tới lời dèm pha của người khác là có lòng tự phụ, ngài nói nhẹ nhàng, còn lưu tâm đến hạnh phúc của con gái mình là tình thương. Tôi chắc bà sẽ chọn điều sau, ngài thêm vào và đặt tay lên cánh tay của bà.
– Chà, chà, bà lẩm bẩm, hài lòng với lời khen của thầy nhưng không chắc là bà có được vậy chăng. Chà, chà, để xem sao.
Và tới đó là chấm dứt buổi nói chuyện, vì cô Sylvia về tới nhà, vào phòng làm chúng tôi ngạc nhiên.
– Con chịu không nổi, cô nói, cuộc họp bạn chán quá nên con đi về.
Một chốc sau chúng tôi cũng cáo từ về nhà. 

 

CHƯƠNG  5

BỮA  TIỆC  NGOÀI  VƯỜN

 

Khoảng mười ngày sau ba chúng tôi lại gặp nhau trong bữa tiệc ngoài vườn tại nhà công nương Appleyard.  Tôi có gặp thầy J.M.H. vài lần ở nhà thầy và nơi khác trong khoảng thời gian đó, và thầy bảo tôi rằng nếu có thể thì thầy muốn giúp cô Sylvia một chút.
– Hào quang của cô cho thấy có nhiều đức tính đáng quí, ngài bảo, và chỉ cần cô được phép yêu và sống thực một chút thì cô sẽ có tiến bộ lớn lao trong kiếp này.
Tôi xin thêm rằng nhận xét có tính huyền bí ấy và những lời khác tương tự không còn làm tôi kinh ngạc hay có vẻ khó hiểu nữa, vì nói chuyện nhiều về triết lý huyền bí với thầy lúc này khiến tôi tương đối hiểu được đề tài thật hấp dẫn đó. Chúng tôi đưa bà Darnley ra một chỗ mát trong góc vườn rộng được chăm sóc đẹp đẽ của công nương Appleyard, với bà không tỏ ý phản đối cho lắm. Tuy có tính sống theo thói đời, rõ ràng là bà quí chuộng và yêu thích thầy nhiều hơn là thích những người khác. Còn đối với tôi, thì có lẽ ít nhất tôi làm bà vui lòng.
– Về tình bạn với ông thi sĩ của con gái bà, ngài nói, tôi mong là bà không gây cản trở gì cho việc ấy chứ ?
– Tôi có thể gây cản trở gì nào ? bà hỏi.
– Như không có thiện cảm, thầy Moreward đáp.
– Tôi khó mà có thiện cảm với chuyện tôi không thuận lòng.
– Lòng thiện cảm chân thực nhất là có thiện cảm với chuyện mà người ta không đồng ý với, ngài nói một cách nhẹ nhàng nhưng với nhiệt tâm, thiện cảm chỉ vì thiện cảm, thiện cảm chỉ vì tình thương.
– Chắc bà không yêu quí con gái của bà, tôi chêm vào theo bản tính ưa chọc ghẹo của mình.
– Sao ông nói thế được ? bà phản đối.
– Tôi nghĩ bà có viết thư trao đổi với ông thi sĩ phải không ? Thầy hỏi sau khi đưa mắt nhìn tôi ngụ ý là tôi phải nghiêm chỉnh lúc này. Bà Darnley kinh ngạc thực sự.
– Làm sao thầy biết được ? bà hỏi, ngay cả Sylvia cũng không biết mà.
– Có nhiều cách để biết chuyện mà không cần người ta nói mình nghe, ngài cười và đáp. Tôi nghĩ bà có thư của ông trong ví phải không ?
Bà lại càng ngạc nhiên hơn nữa.
– Tôi có thể chỉ cầm lá thư trong tay được không ? Cố nhiên là tôi không đọc thư rồi.
Bà mở ví với vẻ ngạc nhiên không hiểu và đưa cho thầy lá thư.
– Cám ơn bà, và bây giờ, ngài nói tiếp, giả thử tôi tả người này với cá tính của ông cho bà, và giả thử đó là cá tính tốt thì bà sẽ thay đổi thái độ không ?
– Tôi không biết, bà nói có chút nghi ngờ.
– Nào, để xem xem, ngài tiếp tục, nhẹ nhàng chạm vào thư bằng ngón trỏ và ngón cái. Ông là người cao, da sậm, không có râu, gương mặt khắc khổ nhưng khỏe mạnh, trán cao, tóc chải thẳng ra sau, mắt sáng, có mầu xanh xám. Có đúng như tôi nghĩ không ?
– Đúng lắm, nhưng làm sao ...
Ngài không để ý tới vẻ kinh ngạc của bà.
– Tính tình ông giống với gương mặt. Ông có trí tuệ thanh bai, không ích kỷ, nhiều lòng thiện cảm, cao nhã. Xin mừng cho bà, bà Darnley, con gái bà có được tình bạn rất tốt.
Ngàilại làm ngơ với sự lạnh lùng càng tăng thêm của bà.
– Và bây giờ chúng ta thử xem tương lai có gì. Ngài trầm ngâm một lúc. Con gái bà sẽ không thành hôn với người này, ngài nói chậm rãi. Tuy nhiên nếu ngăn chặn tình bạn của hai người họ sẽ yêu thương cuồng nhiệt và sẽ có rối rắm xẩy ra cho cả ba người; bằng nếu cho hai người gặp gỡ nhau tự do thì mọi chuyện sẽ dàn xếp khiến bà hài lòng.
Nỗi kinh ngạc của bà Darnley và lòng kiêu hãnh thói thường dằng co nhau, kết cục là lòng kiêu hãnh thắng.
– Nhưng nếu tôi làm theo lời khuyên của thầy, một lúc sau bà nói, thì làm sao ngăn chặn được miệng lưỡi của thế gian ?
– Bận lòng vì vài chuyện đàm tiếu, ngài đáp nhưng có nét khoan dung, là một hình thức của tính trẻ con mà tôi nghĩ bà không có giống vậy.
Cả ba ngưng một chút và tôi chắc bà Darnley thấy rằng bà có bận lòng về việc ấy, nhưng cố nhiên bà không gọi đó là tính trẻ con.
– Bà có yêu thơ không ? ngài hỏi để tìm cách thay đổi đề tài một chút, và cùng lúc trả lại bức thư.
– Thích hết sức, bà nồng nhiệt đáp.
– Nhưng không thích thi sĩ ? tôi hỏi. Thi sĩ xem ra không được trọng cho lắm trong nhà có con gái đẹp.
– Thầy bảo anh ta nghiêm chỉnh hơn một chút được không ? bà kêu với thầy.
– Tánh anh chàng thế, ngài nói một cách rộng lượng. Anh trưng ra cho bà một chân lý sâu xa bằng cách nói khôi hài.
– Mấy ông luôn bênh nhau, bà nhận xét và cười, về phe với nhau, khác hẳn với mấy bà.
– Thành ra xin lỗi là tôi bênh ông nhà thơ lúc này, ngài nói thật khéo léo.
– Bà sẽ theo lời khuyên của tôi chứ ? thầy hỏi sau khi ngưng một chút, nghe vậy bà Darnley nhìn có vẻ như bà ước phải chi cuộc đời có thơ mà không cần thi sĩ.
– Thầy nói nghe dễ lắm, bà đáp lại; thầy không có con gái, nếu có thầy sẽ nghĩ khác.
– Xin lỗi bà, ngài nói mà cười, tôi có con gái.
Bà Darnley tỏ vẻ ngạc nhiên.
– Thế à, nhưng chắc con thầy chưa lớn, bà nói.
– Nhưng cháu đã trưởng thành rồi.
– Vậy mà thầy không nói tôi hay, bà Darnley càng kinh ngạc đáp lại có ý trách móc. Thầy thật không phải chút nào khi không mang cháu tới cho tôi gặp. Trời, thầy lập gia đình hồi bao tuổi để có con lớn mà coi thầy trẻ quá vậy ?
– Không trẻ lắm đâu, ngài đáp lại và bật cười vì sự ngạc nhiên của bà. Nói cho cùng thì sự trẻ trung chỉ là do có tinh thần an ổn, cộng với dinh dưỡng tinh khiết. Tôi nhớ có câu là 'Một trái tim thương yêu cho ra thân xác trẻ trung '.
– Chà, thiệt là chuyện lạ, bà Darnley buột miệng.
– Không có gì lạ đâu, thầy vừa cười vừa chữa lại. Điều gì được xem là chuyện lạ với người này thì với người kia có thể là chuyện hằng ngày. Hồi nẫy tôi làm bà kinh ngạc khi sử dụng phép cảm thị (psychometry) cầm vật mô tả được người, chỉ vì bà chưa nghe nói tới thuật ấy, nhưng đó là chuyện hết sức tự nhiên cho ai trau luyện được khả năng đó.
– Điều duy nhất gọi là tội trong đời là sự vô minh, tôi thêm vào với vẻ nghiêm khắc giả vờ.
– Đúng vậy, thầy Moreward đồng ý ngay.
– Trời đất, thiệt là, phải chi tôi khôn được vậy, bà Darnley thở dài rồi đứng dậy và bảo chúng tôi rằng bà phải đi. Chúng tôi đứng lên chào bà.
– Bà không quên lời khuyên của tôi chứ ? ngài gặng hỏi, vỗ nhẹ lên tay bà.
– Để xem sao, bà đáp lại chưa có ý thuận.
Ngài cúi đầu nhã nhặn và nhìn theo tới khi bà khuất mắt.
– Chà, ngài thở ra một cách vui vẻ lúc không thấy bà nữa. Thầy phải thú thật là bầu không khí quanh người giả hình thiệt là ngột ngạt, bà ra về thì giống như đám mây nặng chịch bao phủ bầu trời được tan biến đi.
Tôi cười lớn.
– Thực vậy, ngài thêm, người giả hình khó mà vào được nước thiên đàng; chỉ thấy điều không thích hợp trong những chuyện vô hại và đẹp đẽ là sống trong địa ngục trên mặt đất.
– Con đoán cô Sylvia và chàng thi sĩ của cô hai người đang yêu nhau ? tôi tỏ ý mình, tuy thầy không nói lộ ra chuyện ấy.
– Phải, ngài đáp, và đó lại là chuyện rất hay. Anh chàng cần có cô để kích thích khả năng sáng tạo của mình, và cô cần có anh để khơi dậy đặc tính tiềm ẩn của cô. Mặt cảm xúc sẽ tàn đi chẳng sớm thì muộn, nhưng tình bạn sẽ còn hoài.
– Thầy có nghĩ là bà mẹ sẽ can thiệp làm hư chuyện không, tôi hỏi.
– Có, trong một lúc ngắn. Tính chìu theo dư luận là một trong những hệ quả tệ nhất của lòng kiêu hãi vì nó có tính quá quắt. Tội nghiệp cho bà Darnley, bà hóa ra nhút nhát vì tính kiêu hãnh của mình, mối lo ngại trong đời bà là dư luận, sợ người đời sẽ nói gì, nghĩ gì. Bà không sống trong thế giới rộng lớn của tình thương, mà sống trong nhà tù. Nhân tiện, ngài thêm vào, con gặp cô Sylvia thường hơn thầy, nếu cô gặp khó khăn con nhớ cho thầy hay.
– Vâng ạ, tôi thưa.